Mặt trận Thái Bình Dương Lịch_sử_quân_sự_Hoa_Kỳ_trong_Chiến_tranh_thế_giới_thứ_hai

Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, Tổng thống Roosevelt chính thức yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật Bản trước một cuộc họp lưỡng viện quốc hội vào ngày 8 tháng 12 năm 1941. Quốc hội thông qua quyết định tuyên chiến với chỉ một phiếu chống tại cả hai viện lập pháp.

Trận Philippines

Một ngày sau khi tấn công Trân Châu Cảng, Nhật Bản mở một cuộc tấn công đánh chiếm Philippines do Hoa Kỳ chiếm đóng. Phần lớn lực lượng không quân Viễn Đông của Hoa Kỳ bị Nhật Bản phá hủy trên mặt đất. Chẳng bao lâu sau đó, toàn bộ lực lượng Philippine và Hoa Kỳ phải rút lui vào bán đảo cô lập Bataan. Tướng Douglas MacArthur, tư lệnh lực lượng đồng minh tại Philippines, được lệnh của Tổng thống Roosevelt di tản khỏi Philippine. Cuối cùng MacArthur di tản vào tháng 3 năm 1942 bằng cách tháo chạy sang Úc là nơi ông chỉ huy cuộc phòng vệ hòn đảo này. Câu nói nổi tiếng của ông "I came out of Bataan and I shall return" (tôi ra đi từ Bataan và tôi sẽ trở lại) không thành hiện thực mãi cho đến năm 1944. Trước khi rời Philippine, MacArthur đã sắp đặt Trung tướng Jonathan M. Wainwright ở lại chỉ huy cuộc phòng vệ Philippines. Sau trận đánh dữ dội, Tướng Wainwright ra lệnh cho toàn bộ lực lượng Mỹ và Philippine đầu hàng Nhật Bản ngày 8 tháng 5 với hy vọng rằng họ sẽ được đối xử tử tế như những tù binh chiến tranh. Tuy nhiên không như ông nghĩ, họ bị tổn thất nặng trên Đường tử thần Bataan và các trại tù của Nhật Bản.

Trận Đảo Wake

Bài chi tiết: Trận Đảo Wake

Cùng lúc tấn công vào Philippines, một liên đoàn oanh tạc cơ của Nhật Bản bay từ Quần đảo Marshall đã phá hủy nhiều khu trục cơ của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trên mặt đất tại Đảo Wake để chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm của Nhật Bản vào đảo này. Đợt đổ bộ đầu tiên là một thảm họa đối với Nhật Bản; các lực lượng dân sự và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tuy ít người và hỏa lực yếu hơn so với đối phương đã đẩy lui hạm đội Nhật với sự hỗ trợ của chỉ 4 khu trục cơ F4F Wildcat còn lại do các phi công của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ điểu khiển. Đợt tấn công thứ hai của quân Nhật thành công hơn; lực lượng ít hơn của Mỹ bị buộc phải đầu hàng sau khi đồ tiếp liệu và đạn dược cạn kiệt.

Chiến dịch Đông Ấn thuộc Hà Lan

Sau những thành công ban đầu, người Nhật tiến về Đông Ấn thuộc Hà Lan để chiếm các nguồn trử dầu hỏa giàu có. Để phối hợp đối phó với quân Nhật, các lực lượng của Mỹ, Úc, Hà Lan và Vương quốc Anh kết hợp tất cả các lực bộ binh và hải quân sẵn có dưới quyền của một Bộ tư lệnh chung, gọi tắt là ABDACOM hay ABDA ngày 15 tháng 1 năm 1942. Hạm đội của ABDACOM, thua sút về số lượng so với hạm đội của Nhật Bản và không có không yểm, bị bại trận chẳng bao lâu sau một vài trận hải chiến quanh Đảo Java. Các lực lượng bộ binh bị vây hãm sau đó cũng bị bại trận đưa đến việc Indonesia bị Nhật chiếm đóng cho đến hết chiến tranh. Sau sự kiện bại trận thảm hại này, Bộ tư lệnh chung ABDA lại bị giải tán.

Chiến dịch Tân Guinea và Quần đảo Solomon

Sau những vụ tấn công thắng lợi nhanh chóng, người Nhật khởi sự Chiến dịch Quần đảo Solomon từ căn cứ chính mới chiếm được trên Rabaul vào tháng 1 năm 1942. Nhật Bản đánh chiếm một số hòn đảo trong đó có Tulagi và Guadalcanal trước khi họ bị chặn lại bởi một số sự kiện dẫn đến Chiến dịch Guadalcanal. Chiến dịch này cũng hội tụ vào Chiến dịch New Guinea.

Trận biển Coral

Bài chi tiết: Trận biển Coral

Tháng 5 năm 1942, hạm đội Hoa Kỳ đụng trận với hạm đội Nhật Bản trong trận hải chiến đầu tiên trong lịch sử mà trong đó không có hạm đội nào bắn trực diện vào hạm đội đối phương và cũng không có chiến hạm nào của cả hai hạm đội thấy mặt nhau. Đây là lần đầu tiên các hàng không mẫu hạm được sử dụng tác chiến. Mặc dù không mang tính quyết định nhưng dẫu sao cũng là một bước ngoặt vì các tư lệnh Mỹ đã học được các chiến thuật mà sẽ được vận dụng sau này trong cuộc chiến.

Trận Quần đảo Aleut

Trận Quần đảo Aleut là trận chiến cuối cùng giữa các quốc gia có chủ quyền đánh nhau trên đất Mỹ. Vì đây là một phần trong dự tính đa dạng cho Trận Midway nên Nhật Bản chiếm giữ hai trong số các đảo thuộc Quần đảo Aleut. Hy vọng của Nhật là các lực lượng hải quân mạnh của Mỹ sẽ bị dụ ra khỏi đảo Midway để tạo điều kiện cho Nhật chiến thắng ở đó. Vì tín hiệu thông tin của Nhật bị giải mã nên các lực lượng Mỹ chỉ đánh đuổi quân Nhật ra khỏi hai đảo này sau khi chiến thắng tại Midway.

Trận Midway

Bài chi tiết: Trận Midway
Hàng không mẫu hạm Nhật Bản Hiryu đang bị tấn công trong trận Midway

Vì đã học được những bài học quan trọng trong trận biển Coral nên Hoa Kỳ đã chuẩn bị khi Hải quân Đế quốc Nhật Bản dưới quyền tư lệnh của Đô đốc Isoroku Yamamoto mở một cuộc tấn công nhằm tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Đảo Midway. Nhật Bản hy vọng làm người Mỹ bể mặt sau cuộc đột kích Doolittle của Mỹ vào Tokyo làm họ mất mặt. Đảo Midway là một hòn đảo chiến lược mà cả hai bên đều muốn dùng làm một căn cứ không quân. Yamamoto hy vọng đạt được một sự bất ngờ hoàn toàn và chiếm được hòn đảo nhanh chóng theo sau đó là một trận hải chiến bằng hàng không mẫu hạm có tính quyết định mà ông ta hy vọng có thể tiêu diệt hạm đội hàng không mẫu hạm của Mỹ. Trước khi trận chiến bắt đầu, thông tin tình báo của Mỹ đã giải mã được kế hoạch của ông và vì thế đã giúp cho Đô đốc Chester Nimitz thảo ra kế hoạch phòng vệ hữu hiệu chống hạm đội Nhật.[8] Trận chiến bắt đầu vào ngày 4 tháng 6 năm 1942. Vào lúc kết thúc, Nhật Bản mất 4 hàng không mẫu hạm so với Mỹ chỉ mất 1 chiếc. Trận Midway là bước ngoặt trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương vì Hoa Kỳ đã chiếm được thế thượng phong và giành quyền chủ động tấn công trong suốt khoảng thời gian còn lại của cuộc chiến.

Chiến thuật "nhảy đảo"

Sau chiến thắng vang dội ở Midway, Hoa Kỳ bắt đầu một cuộc tấn công lớn trên bộ. Đồng minh nãy sinh ra một chiến thuật mới được biết đến là "Island hopping" (tạm dịch là nhảy đảo). Trong chiến thuật này đồng minh bỏ qua các đảo mà Nhật Bản phòng thủ chặt chẽ. Thay vào đó đồng minh tập trung lực lượng có giới hạn của mình tấn công vào các đảo được phòng thủ yếu nhưng có giá trị về mặt chiến lược, thí dụ như các đảo này có thể hỗ trợ cho việc tiến công vào các đảo chính trên đất Nhật.[9] Vì không lực rất quan trọng cho bất cứ chiến dịch nào nên chỉ những hòn đảo nào có thể làm được đường băng thì đồng minh mới đưa vào mục tiêu tiến chiếm. Chiến sự trên các đảo trong mặt trận Thái Bình Dương thì rất tàn khóc vì người Mỹ đối mặt với kẻ thù dàn dặn chiến trận và ít bị bại trận trên bộ.

Guadalcanal

Bài chi tiết: Trận Guadalcanal

Bước chính đầu tiên của chiến dịch này là đồng minh đánh chiếm đảo Guadalcanal trong chuỗi Quần đảo Solomon từ tay Nhật. Thủy quân lục chiến thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 1 Hoa Kỳ và binh sĩ thuộc quân đoàn XIV Lục quân Hoa Kỳ đổ bộ lên Guadalcanal gần Sông Tenaru ngày 7 tháng 8 năm 1942. Họ nhanh chóng chiếm Sân bay Henderson, và chuẩn bị phòng vệ. Trong trận chiến mà sau đó được biết đến là Trận Đỉnh núi máu, quân Hoa Kỳ giữ vững vị trí sau từng đợi từng đợt phản công của Nhật trước khi đánh tan tàn quân còn lại của Nhật. Sau 6 tháng chiến đấu, hòn đảo lọt vào tay của đồng minh ngày 8 tháng 2 năm 1943.

Tarawa

Bài chi tiết: Trận Tarawa
Một xe tăng M4 Sherman được trang bị với súng phóng hỏa đang thổi lửa vào công sự của Nhật.

Guadalcanal đã chứng tỏ cho người Mỹ thấy rằng người Nhật sẽ chiến đấu đến chết. Sau trận chiến ác liệt mà cả hai phía đều có binh sĩ bị bắt sống, Hoa Kỳ và đồng minh tiếp tục hối hả tiến công. Các cuộc đổ bộ lên Tarawa của lực lượng Hoa Kỳ ngày 20 tháng 11 năm 1943 bị quân Nhật chặn đứng khi có nhiều xe thiết giáp của Hoa Kỳ bị đánh chìm, hư hỏng hay bị ngập nước không còn sử dụng được trong lúc cố phá vỡ phòng tuyến của Nhật Bản. Sau cùng thì người Mỹ cũng có thể đổ bộ được một số lượng hạn chế các xe tăng và lái vào đất liền. Sau mấy ngày giao tranh, đồng minh chiếm được Tarawa vào ngày 23 tháng 11. Trong số 2,600 binh sĩ Nhật ban đầu, chỉ còn 17 người sống sót.

Các chiến dịch trong Trung Thái Bình Dương

Để chuẩn bị tái chiếm Philippines, đồng minh bắt đầu mở Chiến dịch Quần đảo Gilbert và Marshall để tái chiếm Gilbert và Quần đảo Marshall từ tay Nhật vào mùa hè năm 1943. Sau thành công này, đồng minh tiếp tục tiến công và tái chiếm Quần đảo Mariana và Palau trong mùa hè năm 1944.

Tái chiếm Philippines

Tướng MacArthur thực hiện lời hứa quay trở lại Philippines bằng cuộc đổ bộ lên Leyte ngày 20 tháng 10 năm 1944. Đồng minh tái chiếm Philippines xảy ra từ năm 1944 đến 1945 bao gồm các trận Leyte, Vịnh Leyte, Luzon, và Mindanao.

Iwo Jima

Bài chi tiết: Trận Iwo Jima

Trận Iwo Jima và các đường băng trọng yếu ở đó là một bãi chiến trường tiếp theo. Quân Nhật đã học được bài học thất bại từ Trận Saipan và vì thế họ đã chuẩn bị rất nhiều vị trí phòng thủ kiên cố trên đảo trong đó gồm có các hầm trú ẩn và giao thông hào dưới lòng đất. Cuộc tấn công của Mỹ bắt đầu vào ngày 19 tháng 2 năm 1945. Ban đầu quân Nhật chỉ chống cự yếu ớt để dụ quân Hoa Kỳ tập trung đông, tạo thành nhiều mục tiêu hơn trước khi quân Hoa Kỳ bị hỏa lực mạnh bắn vào từ núi Suribachi. Trận chiến kéo dài cả đêm cho đến khi ngọn đồi bị bao vây. Mặc dù quân Nhật bị ép vào rong một khu vực ngày càng thu hẹp dần nhưng họ vẫn chọn tử chiến đến cùng, chỉ còn lại 1.000 binh sĩ trong con số 21.000 binh sĩ ban đầu. Đồng minh cũng thiệt hại 7.000 quân nhưng họ lần nữa lại chiến thắng và tiến đến đỉnh Núi Suribachi vào ngày 23 tháng 2. Chính trên đỉnh núi này 5 binh sĩ Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và một quân y Hải quân Hoa Kỳ đã cắm lá cờ Mỹ nổi tiếng trên đỉnh núi.

Okinawa

Bài chi tiết: Trận Okinawa

Okinawa trở thành trận đánh lớn cuối cùng trong mặt trận Thái Bình DươngChiến tranh thế giới thứ hai. Hòn đảo phải trở thành nơi xuất phát cho chiến dịch xâm chiếm Nhật Bản sau đó vì nó chỉ cách đất liền Nhật Bản khoảng 350 dặm Anh (550 km) về phía nam. Thủy quân lục chiến và bộ binh đổ bộ lên đảo mà không gặp phải sự chống cự nào ngày 1 tháng 4 năm 1945 để bắt đầu một chiến dịch kéo dài 82 ngày. Chiến dịch này đã trở thành trận chiến kết hợp hải bộ không quân lớn nhất trong lịch sử và được xem là trận chiến tàn khóc và có con số thiệt hại nhân mạng dân sự cao với trên 150.000 cư dân Okinawa thiệt mạng. Các phi công kamikaze của Nhật đã gây tổn thất lớn nhất về số lượng tàu chiến trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ với khoảng 38 chiếc bị đánh đắm và 368 khác bị hư hại. Tổng cộng Hoa Kỳ bị tổn thất trên 12.500 người chết và 38.000 người bị thương trong khi đó Nhật tổn thất trên 110.000 binh sĩ. Trận đánh ác liệt trên Đảo Okinawa được cho là đã đóng một phần vai trò trong quyết định sử dụng bom nguyên tử của Tổng thống Truman thay vì phải thực hiện một cuộc xâm chiếm Nhật Bản.

Hiroshima và Nagasaki

Khi chiến thắng của Hoa Kỳ từ từ hiện rõ thì thiệt hại nhân mạng cũng ngày càng nhiều. Bộ tư lệnh cấp cao của Hoa Kỳ sợ rằng một cuộc xâm chiếm đất liền Nhật Bản sẽ dẫn đến thương vong lớn về phần đồng minh khi các con số ước đoán thương vong cho chiến dịch được hoạch định có tên là Chiến dịch Downfall lộ ra. Tổng thống Harry Truman ra lệnh ném bom nguyên tử lên thành phố Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945 với hy vọng rằng sự tàn phá thành phố này sẽ giải quyết được Nhật Bản và kết thúc chiến tranh. Một quả bom thứ hai được ném xuống Nagasaki ngày 9 tháng 8 sau khi nhận thấy rằng bộ tư lệnh cấp cao của Nhật Bản không có ý đầu hàng. Khoảng 140.000 người chết tại thành phố Hiroshima vì quả bom nguyên tử và hiệu ứng sau đó của nó cho đến cuối năm 1945. Tại thành phố Nagasaki, có khoảng 74.000 người chết. Trong cả hai trường hợp số người chết đa số là dân chúng.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, hay Ngày chiến thắng Nhật Bản, đánh dấu ngày kết thúc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Đế quốc Nhật Bản. Vì Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trong Khối Trục nên Ngày chiến thắng Nhật Bản cũng đánh dấu ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Mặt trận nhỏ của Mỹ

Hoa Kỳ góp một số lực lượng vào mặt trận Trung Hoa, Miến Điện, Ấn Độ, thí dụ như một phi đoàn không lực tình nguyện (sau đó được hợp nhất vào Không lực Lục quân), và một đơn vị bộ binh có tên là Merrill's Marauders. Hoa Kỳ cũng có đặc phái một cố vấn làm việc với Tưởng Giới Thạch, Joseph Stillwell.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_quân_sự_Hoa_Kỳ_trong_Chiến_tranh_thế_giới_thứ_hai http://www.findarticles.com/p/articles/mi_qa3723/i... http://www.time.com/time/printout/0,8816,791211,00... http://www.u-s-history.com/pages/h1601.html http://www.u-s-history.com/pages/h1661.html http://www.u-s-history.com/pages/h1671.html http://www.law.ou.edu/ushistory/germwar.shtml http://www.wpunj.edu/irt/courses/hist365/declarewa... http://www.world-war-2.info/casualties/ http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/100-11/100-1... http://www.army.mil/cmh/books/wwii/7-8/7-8_cont.ht...